Kỹ thuật nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm
Kỹ thuật nuôi cá rô đầu vuông không quá khó để thực hiện nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ trong từng khâu. Bà con áp dụng đúng cách sẽ cho ra năng suất cao, chất lượng, giá thành tốt khi đưa ra thị trường.
Chuẩn bị ao và giống cá rô đầu vuông
Chuẩn bị ao nuôi
Bà con nên chọn vùng đất quang đãng, gần đường giao thông, đảm bảo tưới tiêu thuận lợi. Ngoài ra cần có nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt cũng như nước thải công nghiệp. Ao nuôi hình chữ nhật, diện tích 1.000 – 5.000 m2, độ sâu 1,4 – 2 m, bùn đáy 15 – 20 cm, pH đất = 6,5 – 8. Bờ ao được đắp vững chắc cao tối thiểu 2m, có cống cấp và thoát nước chủ động.
- Cống cấp: Đặt ở phía có nguồn nước cao để cấp nước tạo dòng chảy trong ao.
- Cống tiêu: Bố trí phía có mương nước thải, theo dạng cống tràn để thoát nước và duy trì mức nước tối thiểu 1,2 m.
Trước khi thả cá cần làm sạch ao, rút cạn nước, bắt hết cá tạp, nạo vét bớt bùn đáy, gia cố lại hệ thống bờ, lấp hết hang hốc và vệ sinh xung quanh bờ ao. Phơi đáy ao 3 ngày cho se ráo mặt ao, tiến hành bón vôi khử trùng, diệt tạp với lượng 7 – 10 kg/100 m2 ao. Sau đó dùng 2 – 3kg NPK/100 m2 tạt đều xuống ao tạo nguồn thức ăn ban đầu là tảo và động vật phù du cho cá. Nguồn nước đưa vào ao phải trong sạch, không bị ô nhiễm, lọc qua lưới tránh cá tạp vào ao.
Chọn giống và thả cá giống
Để tối ưu hiệu quả, bà con nên chọn loại giống có kích thước 200 – 300 con/kg. Cá phải có kích thước đồng đều, lành lặn, bơi theo đàn, không có dấu hiệu bệnh. Nên tiến hành vận chuyển nhanh đến ao nuôi, tránh bị ngộp, nhưng vẫn phải đảm bảo di chuyển nhẹ nhàng, không làm xây xát thân cá.
Trong kỹ thuật nuôi cá rô đầu vuông, thả theo mật độ 20 – 40 con/m2 là hợp lý nhất. Trước đó có thể thử với một vài con trước để chúng thích ứng môi trường trong ao. Nếu thấy có dấu hiệu lờ đờ nên vớt ra ngay và điều chỉnh lại nước.
Lưu ý: Trước khi cho cá xuống ao phải tắm cho bằng muối 15 – 30% trong 15 – 30 phút.
Kỹ thuật nuôi cá rô đầu vuông
Quản lý thức ăn
Tỷ lệ cho cá ăn từ 3 – 10% trọng lượng thân tùy theo giai đoạn phát triển. Tốt nhất nên cho ăn 2 lần/ngày vào 8 – 9h sáng và 4 – 5 h chiều.
- Thức ăn tự chế: Bột cá 20 %, đậu tương 30%, cám gạo 45%, ngô 5%
- Thức ăn công nghiệp: Mua những loại có hàm lượng đạm 25-30%.
- Hệ số chuyển đổi thức ăn của cá (FCR): Thức ăn tự chế từ 3 – 3,5 và thức ăn viên công nghiệp là 1,6 – 1,8.
- Bổ sung thêm Vitamin C, khoáng với hàm lượng 5g/1kg thức ăn trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá nửa tháng 1 lần.
Quản lý môi trường ao nuôi
Trong quá trình nuôi, bà con cần theo dõi chất nước ổn định. Nếu thấy màu nhạt nên bón phân vô cơ với lượng 1,5-3,0 kg đạm và 0,8-1,5 kg lân/1.000 m2. Không nên bón quá nhiều vì sẽ gây ô nhiễm nước. Ngoài ra, hãy thay nước tạo dòng chảy thường xuyên cho ao nuôi tránh trường hợp cá bị nhiễm bệnh.
- Đảm bảo duy trì độ pH trong ao khoảng 7 – 8. Nếu pH giảm dùng Zeolite để ổn định với lượng 7 – 10 kg/1.000 m2.
- Định kỳ bón vi sinh 3 lần/tháng để xử lý môi trường nước và cải tạo đáy ao với lượng 9 lít/ha.
- Sử dụng vôi xử lý môi trường nước ao với lượng 200 – 250kg/ha ao, nửa tháng 1 lần.
- Dùng bèo tây phủ 1/3 diện tích ao để hạn chế gió, có thể hạn chế nước bị thay đổi nhiệt độ vào mùa đông.
Phòng và trị bệnh
Loại bệnh | Dấu hiệu | Chữa trị |
Bệnh do nấm thủy mi | Trên da xuất hiện vùng trắng xám, có những sợi nấm nhỏ, mềm tạo thành những búi trắng như bông. | Dùng Malachite liều lượng 1 – 2 g/m3 nước tắm khoảng 30 phút, trong 3 – 5 ngày. Hoặc dùng muối ăn liều lượng 2 – 3 kg/m3 nước, tắm 24 tiếng. |
Bệnh lở loét | Cá ít ăn hoặc bỏ ăn, lờ đờ, da sẫm lại, có vết màu xám hoặc đốm đỏ ở đầu, thân, các vây và đuôi. Nếu không chữa trị kịp thời vết loét sẽ lan rộng, vẩy rụng, xuất huyết và viêm. | Dùng vôi tạt xuống ao với liều lượng 2kg/100m 3 , 2 tuần 1 lần.
Ngoài ra có thể dùng muối ăn với liều lượng 2 – 3% tắm cho cá 5 – 15 phút. Nếu có thuốc tím với liều lượng 10g/m3 tắm cho cá trong thời gian 10 – 30 phút. Đối với kháng sinh có chứa Oxytetracycline, trộn vào thức ăn cho cá ăn liên tục 5 ngày. |
Thu hoạch và tiêu thụ cá rô đầu vuông
Để thu hoạch đạt hiệu quả cao và không ảnh hưởng đến chất lượng, bà con áp dụng một số hình thức sau:
Thu tỉa: Chọn những con có kích thước lớn thu trước để tăng giá bán, phần còn lại tiếp tục nuôi.
Thu tổng thể: Đối với những ao nuôi cá đạt kích cỡ lớn đồng đều nên tiến hành thu tổng thể.
Lưu ý: Trước khi thu hoạch cần ngưng cho ăn từ 1-2 ngày, sau đó mới hút hết nước bắt cá.
Hiện tại, thương lái đang thu mua cá rô đầu vuông với giá dao động khoảng 38.000 – 40.000 đồng/kg. Tóm lại, kỹ thuật nuôi cá rô đầu vuông không quá khó nhưng vẫn đòi hỏi phải thực hiện đúng quy trình. Người dân nên chú trọng đến việc phòng bệnh, thường xuyên theo dõi để tránh lây lan.
Tìm kiếm có liên quan
Hướng dẫn phục hồi nuôi thủy sản lồng bè sau mưa bão
Kỹ thuật nuôi cá rô phi đầu nhím thương vụ hiệu quả
Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá nâu trong bể bạt
48 Đường 2c KDC Phú Mỹ, Phường Phú Mỹ, Quận 7, Tphcm